NSGN - Tuổi trẻ có quyền ước mơ nhưng khi làm việc và học tập, họ cũng cần chánh niệm.
NSGN - Tuổi trẻ có quyền ước mơ nhưng khi làm việc và học tập, họ cũng cần chánh niệm.
Những phong trào mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng xã hội thường nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, hơn nữa, dưới tầm nhìn quốc gia những phong trào như thế thường có tầm quan trọng đặc biệt, được Chính phủ và người dân xem trọng.
Cùng với sự phát triển của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, ở Việt Nam và các nước trên thế giới đã xuất hiện và lan tỏa phong trào “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết định quan trọng là: Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”; Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; mục đích của các quyết định là góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trong đó, vai trò của các trường đại học có ý nghĩa then chốt, việc thúc đẩy các hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) giúp cho giá trị học hiệu nhà trường được nâng cao; tạo nên thế hệ các cựu sinh viên là doanh nhân thành đạt hoặc các nhà quản trị, quản lý giỏi, có trình độ chuyên môn cao; đào tạo ra nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại mới.
Vấn đề chính là giúp cho sinh viên (SV) nhận thức, trải nghiệm được các dự án khởi nghiệp, nâng cao được giá trị bản thân, khơi dậy sự khát khao, mong muốn được KNĐMST.
Nhận thấy những ý nghĩa thực tế và giá trị của hoạt động KNĐMST, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHSPKT) – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã có nhiều đầu tư cho hoạt động KNĐMST. Bằng những bước triển khai bài bản, phát huy tối đa nhiều nguồn lực, trong năm học 2019-2020 thầy và trò Trường đã nhận về những “quả ngọt”.
Đào tạo giảng viên – khởi nguồn của phong trào
Lãnh đạo nhà trường đã chọn ra những giảng viên (GV) có đam mê hoạt động Khởi nghiệp sáng tạo, giàu tâm huyết để làm nòng cốt cho phong trào. Những GV trẻ đã phân công, người tìm kiếm những tài liệu về KNĐMST để nghiên cứu, học hỏi; người viết dự án gửi cho doanh nghiệp để xin tài trợ nguồn lực; người tập hợp SV để tìm ý tưởng lập dự án khởi nghiệp…
Từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, đã có những phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp, VinTech City đã nhận tài trợ kinh phí cho Dự án thành lập Không gian Sáng chế và Khởi nghiệp. Nhà trưởng đã cử các GV tham gia khóa đào tạo GV nguồn về KNĐMST do VinTech City và tham dự chương trình tập huấn của các dự án quốc tế mà Trường ĐHSPKT là thành viên (V2WORK, EMVITECH).
GV Trường ĐHSPKT tham gia các khóa đào tạo KNĐMST
Câu lạc bộ Sáng tạo và Khởi nghiệp – nơi tập hợp niềm đam mê KNĐMST
Điều cần thiết là tạo một sân chơi thu hút đội ngũ GV nguồn giảng dạy KNĐMST và các SV có chung sự đam mê, khát khao. Lãnh đạo Trường đã thành lập Câu lạc bộ Sáng tạo và Khởi nghiệp (gọi tắt là Câu lạc bộ) để tất cả mọi người cùng tham gia phát triển các ý tưởng.
Là những người có vị trí quan trọng trong việc định hướng nghiên cứu, vạch ra các ý tưởng của các dự án, các GV trong Câu lạc bộ đã dành nhiều thời gian và công sức, nhiệt tình truyền lửa cho SV; hầu hết các ngày nghỉ thành viên Câu lạc bộ được tập hợp lại để học nhiều nội dung cần thiết như: khởi nghiệp công nghệ; đánh giá cơ hội – ý tưởng – phát triển kế hoạch kinh doanh; tìm kiếm, huy động vốn; kỹ năng trình bày và thuyết phục nhà đầu tư…
Câu lạc bộ đã mời các doanh nghiệp, mentor về tổ chức huấn luyện, đào tạo các kiến thức, kỹ năng cho các thành viên; tổ chức các buổi seminar, tọa đàm với doanh nghiệp. Những chuyên gia, doanh nghiệp nổi tiếng được mời đến “truyền lửa” cho SV như: bà Lê Mỹ Nga – CEO Công ty HERMES, bà Trần Hà Mỹ Lợi - Chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0”, ông Lý Đình Quân - Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Dự án hợp tác các trường đại học khu vực miền Trung và miền Nam của VinTech City…
Những việc này đã nâng cao giá trị bản thân của các thành viên tham gia Câu lạc bộ và khả năng tiếp cận với các dự án khởi nghiệp dễ dàng hơn; có hướng đi hợp lý, bởi vì từ nguồn tri thức được cung cấp, tạo nên một “nguồn vốn” vô giá trong mỗi thành viên Câu lạc bộ, giúp họ chuyển hóa các ý tưởng thành hiện thực.
Một buổi đào tạo dự án khởi nghiệp của CEO Lê Mỹ Nga
Các cuộc thi KNĐMST – nơi tranh tài
Những cuộc thi ý tưởng về khởi nghiệp là dịp để các thành viên Câu lạc bộ được cọ sát với thực tế. Xác định được điều đó, lãnh đạo nhà trường và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã đầu tư cho các đội dự thi. Vào dịp tháng 10/2019, Ban Quản lý Dự án V2WORK tổ chức Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong khuôn khổ của Hội thảo quốc tế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Đội Smart Trash (Thùng rác Thông minh) là đội đoạt giải trong cuộc thi Smart Campus của ĐHSPKT đã tham dự cuộc thi. Ý tưởng về tích hợp các ứng dụng thông minh trong thùng rác của đội đã nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến đóng góp của Ban Giám khảo cũng như các đại biểu tham dự.
Ở sân chơi Câu lạc bộ, nhiều nhóm nghiên cứu về KNĐMST đã hình thành ý tưởng tham dự cuộc thi cấp trường. Nhiều dự án, đề tài thể hiện tính ứng dụng thực tiễn và tính khả thi cao như: Máy thu gom phân loại rác trên bề mặt cát biển, Cảnh báo điểm mù thông minh cho xe có vận tải lớn , Máy sản xuất tô chén dĩa từ vật liệu thân thiện với môi trường, Thiết bị cảnh báo cháy và rò rỉ Gas (Gas Detector), Gậy thông minh hỗ trợ người già “Smart Canes”…
Điểm mới ở cuộc thi do Câu lạc bộ tổ chức là có nhiều doanh nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ cho các ý tưởng của SV; hình thành các nhóm GV liên khoa cùng giúp SV hoàn thiện các sản phẩm của dự án; các mentor được mời tư vấn cho các dự án tiềm tàng, khả thi. Sự kết nối này mang lại giá trị cho các dự án, sản phẩm, giúp tư duy thiết kế dự án của SV được hoàn thiện, sát với nhu cầu của thị trường.
Sự đầu tư nghiêm túc và tinh thần lao động hăng say, cũng đến lúc nhận được những thành quả nhất định, Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ "SEEDING YOUR IDEA - ƯƠM MẦM Ý TƯỞNG" do VinTech City phối hợp với các trường đại học trên toàn quốc tổ chức trong năm 2019, nhóm SV của Trường là: Lê Đặng Thái Phong và Nguyễn Trọng Nhiên đã tham gia báo cáo và đạt giải Nhất tại Cuộc thi với dự án "Gậy thông minh hỗ trợ người già – Smart Canes for the elderly”.
Trao đổi với chúng tôi, SV Lê Đặng Thái Phong - lớp 17TDH1 cho rằng: "Theo em, một dự án khởi nghiệp cần gắn liền với đổi mới sáng tạo, bởi chính cái mới tạo nên tính hấp dẫn cho một dự án khởi nghiệp. Bên cạnh đó, để dự án có thế dễ dàng tiếp cận được thực tiễn thì ý tưởng của dự án phải được hình thành từ quá trình quan sát và phát hiện ra những vấn đề gần gũi ở xung quanh, em mong muốn vận dụng kiến thức bản thân vào việc tạo ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội".
Còn SV Nguyễn Văn Linh - Lớp 17TDH1 chia sẻ cảm nhận của mình: "Đối với em khởi nghiệp là một sân chơi lành mạnh, bổ ích thiết thực, hiệu quả đối với tất cả các SV và tạo cơ hội để để SV giao lưu, học tập thêm các kinh nghiệm các kĩ năng cần thiết, giúp SV triển khai tốt hơn các dự án của bản thân. Hơn thế nữa còn giúp các dự án khởi nghiệp có thể kết nối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư"
Viện nghiên cứu sáng tạo và khởi nghiệp – điểm kết nối các ý tưởng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã nêu mục tiêu: “Đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”; Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030, Đại học Đà Nẵng là “đại học trọng điểm quốc gia”.
Để cùng góp sức, chung tay với Thành phố và Đại học Đà Nẵng, Trường ĐHSPKT tiếp tục khẳng định vị thế trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố; hoạt động KNĐMST của nhà trường trong giai đoạn mới cần nâng tầm lên mức cao hơn, sức lan tỏa mạnh mẽ hơn và nguồn nhân lực đào tạo chất lượng hơn.
Sự trăn trở, khát khao này được lãnh đạo nhà trường đưa vào các chương trình hành động cụ thể, một trong đó là tạo điểm kết nối các ý tưởng KNĐMST để những người trẻ có đam mê, có ý chí cùng xây dựng Trường phát triển đúng định hướng trên. Viện nghiên cứu Sáng tạo và Khởi nghiệp là một địa chỉ mới, sẽ được thành lập trong tương lai, góp phần thúc đẩy các hoạt động KNĐMST, ươm mầm các tài năng, ý tưởng và là điểm đến của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ. Đây cũng là nơi quy tụ những trí tuệ của những người trẻ tuổi, mang lại nhiều cơ hội cho SV KNĐMST.
Bằng những hành động cụ thể, nhất quán, xuyên suốt, phong trào KNĐMST tại Trường ĐHSPKT từ những con sóng nhỏ đã lan tỏa, phát triển thành những con sóng mạnh mẽ hòa mình vào biển lớn; cùng với những con sóng kia là những khát khao cháy bỏng của những người trẻ muốn được cống hiến cho thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, đáng sống; khát vọng, niềm tin về một Đại học Quốc gia Đà Nẵng năng động, sáng tạo, xứng tầm.
Trung tâm Học liệu và Truyền thông
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN