Vinamilk Niềm Tin Việt Nam

Vinamilk Niềm Tin Việt Nam

LĨNH VỰC KINH DOANH CỦA SAO VIỆT

LĨNH VỰC KINH DOANH CỦA SAO VIỆT

Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng của ngành gạo Việt Nam

Ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường - trình bày tham luận Tình hình xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết ngành lúa gạo Việt đã trải qua quá trình phát triển ấn tượng trong những thập kỷ qua. Từ một nước nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, được tổ chức lương thực thế giới (PAO) xếp là quốc gia đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Vụ lúa gạo 2024, cả nước có 7,09 triệu ha, năng suất trung bình 61,2 tạ/ha, và sản lượng 43,4 triệu tấn.

10 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gạo Việt sang Phillipines tăng 59,1%, sang Indonesia 20,2% và Malaysia tăng 2,2 lần.

Ông Hòa cho biết thêm, vai trò của thương hiệu trong phát triển ngành gạo là yếu tố gia tăng giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh, gắn kết mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

Ông cũng nêu một số thực trạng phát triển thương hiệu gạo tại Việt Nam hiện nay đã mang lại kết quả. Cụ thể là một số doanh nghiệp gạo Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Điển hình là các thương hiệu như gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua. Trong đó, gạo ST25 đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới".

Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo Việt Nam, tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu gạo Việt còn một số khó khăn, như xây dựng lòng tin về chất lượng, thiếu hỗ trợ pháp lý trong việc bảo hộ thương hiệu quốc tế và chưa chú trọng thị trường nội địa.

"Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu gạo và chỉ dẫn địa lý, đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu. Phát triển sản phẩm gạo giá trị gia tăng, đổi mới công nghệ trong sản xuất gạo và đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, khẳng định vị thế thương hiệu", ông Hòa nêu 6 giải pháp để khắc phục và xây dựng thương hiệu gao Việt.

Xây dựng thương hiệu gạo từ doanh nghiệp mới thành công

Ông Lê Thanh Tùng - phó chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Thanh Tùng, nguyên phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng trong 30 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm bước xây dựng thương hiệu gạo với các nền tảng khác nhau, về giống, quy trình canh tác, thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo ông Tùng, trong 30 năm, Việt Nam đã xuất khẩu gạo với nhiều chủng loại, đang đi dần tới gạo Việt Nam trắng, trong, hạt dài mà Việt Nam dày công xây dựng trong 20 năm gần đây.

Trước đây gạo trắng, trong, hạt dài chỉ chiếm 15-20%, hiện tại đã chiếm khoảng 75%. Còn lại 10% là nếp, 10% gạo cho chế biến, còn lại khoảng 10% gạo đặc thù (như gạo giảm đường, gạo canh tác theo Viet GAP, Global GAP).

"Xây dựng thương hiệu gạo phải từ doanh nghiệp, không đi từ quốc gia, xây dựng thương hiệu gạo từ quốc gia đều thất bại. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ làm hẹp đi sự sáng tạo của các doanh nghiệp.

Gạo cũng giống các mặt hàng khác, đánh giá thương hiệu từ mức độ an toàn, độ đồng đều, về thời gian, giá cả phù hợp, về thân thiện thị trường, cách tiếp cận chuỗi thị trường…

Không ai làm được chuyện này ngoài doanh nghiệp. Trong hội thảo hôm nay có nhiều doanh nghiệp đã làm được. Những cái này mà làm thành khối thì thành thương hiệu quốc gia.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đề án 1 triệu hecta gạo chất lượng cao, phát thải thấp cũng là cách để theo định hướng đó xây dựng thương hiệu gạo: đi vào canh tác, có doanh nghiệp, xây dựng nhãn mác, xây dựng thương hiệu, bán giá ổn định… Đó đều là thương hiệu gạo Việt Nam", ông Tùng bày tỏ quan điểm.

"Thời điểm xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt đã đến gần"

Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, kể câu chuyện bản thân trải nghiệm khi đi chợ Xóm Chiếu (quận 4, TP.HCM). Khi hỏi tiểu thương bán gạo ở chợ này về loại gạo nào bán nhiều nhất và có giá bán cao nhất, ông được cho biết khoảng hai năm nay, gạo ST "đánh bạt" các loại gạo khác, chỉ có bếp ăn tập thể mới mua gạo xá (không đóng bao cứng mà cân theo nhu cầu người mua).

Theo nhà báo Trần Xuân Toàn, TP.HCM có dân số 13 triệu dân, nhu cầu thị trường gạo vô cùng lớn. Xét rộng ra, Việt Nam có 100 triệu dân, nhu cầu thị trường gạo còn lớn hơn rất nhiều.

"Nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi trong nhiều năm qua. Người tiêu dùng đã chuyển hướng tiêu dùng gạo chất lượng thay vì số lượng. Và nhìn rộng ra thế giới, nhìn vào con số xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây sẽ thấy được gạo chất lượng đang là nhu cầu lớn.

11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 5,3 tỉ USD, tương ứng tăng 11% và 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Điều đó cho thấy nhu cầu thị trường gạo vô cùng lớn, đặc biệt là chất lượng cao. Thời cơ, thời điểm xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đã đến gần. Đây là cơ hội vô cùng lớn", ông nói.

Ở các nước lân cận, Thái Lan có gạo Hom Mali, Ấn Độ có gạo Basmati, Nhật Bản có gạo Japonica. Khi nói tới quốc gia nào thì định vị được gạo nổi danh của quốc gia đó.

"Tuổi Trẻ là cơ quan truyền thông. Chúng tôi thấy có nhiệm vụ chung tay xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Nhắc tới Việt Nam, người tiêu dùng trong nước và thế giới nghĩ tới thương hiệu gạo nào, nhãn hiệu gạo nào là vấn đề vô cùng thách thức", nhà báo Trần Xuân Toàn chia sẻ bối cảnh tổ chức hội thảo.

Bà Phoebe Ricarte - chuyên gia Philippines và ông Ny Lyheng - chuyên gia Campuchia - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị hiếu người dùng thay đổi, cách làm ra hạt gạo cũng cần thay đổi

Ông Vương Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - phát biểu chào mừng các vị khách về dự hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nói về ý nghĩa của hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt", ông Vương Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng đây là sự kiện có nghĩa rất quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu gạo, đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh miền Tây đang thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Ông Nam cho biết thêm, trong những năm gần đây Sóc Trăng đã có chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu. Ngành lúa gạo được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, ngành lúc gạo từng bước đi vào chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Điểm nổi bật là tỉ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 54%. Riêng giống lúa ST24 và ST25 chiếm trên 18% và được xếp hạng "gạo ngon nhất thế giới" qua các kỳ dự thi quốc tế.

Ông Nam cho rằng hiện áp lực cạnh tranh trên trường quốc tế ngày càng lớn đối với ngành hàng lúa gạo. Nhiều nước trong khu vực có lợi thế về lúa gạo cũng đang dần mở cửa trở lại sau một thời gian hạn chế xuất khẩu.

Thị hiếu tiêu dùng một số thị trường truyền thống cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Nhiều nước và người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm lúa gạo ngon, nhiều dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe mà còn yêu cầu sản xuất ra hạt gạo phải thân thiện với môi trường. Điều đó cho thấy ngành lúa gạo của Việt Nam đang đứng trước thử thách và cơ hội đan xen.

Theo ông Nam, sự ra đời của đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp găn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là bước ngoặt mới, là nền tảng mở đường cho sự phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam giai đoạn mới.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH